HO

 

 

I.                 GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC

Dựa vào thời gian kéo dài, ho được chia thành 3 nhóm:

-         Ho cấp tính: kết thúc dưới 3 tuần. Ho cấp tính chủ yếu gây ra bởi nhiễm virus ở đường hô hấp trên, thường nhẹ và tự khỏi. Tuy nhiên nhiều trường hợp ho có thể do viêm phổi cấp, hen suyễn cấp, suy tim cấp, tắc động mạch phổi hay do hít phải dị vật.

-         Ho bán cấp: kéo dài từ 3-8 tuần. Nguyên nhân gây ho vẫn chưa rõ ràng nhưng thường gặp sau khi nhiễm khuẩn đường hô hấp, do viêm xoang hay hen phế quản. Ho bán cấp nên được điều trị như ho mạn tính nếu không có dấu hiệu nhiễm trùng hô hấp.

-         Ho mạn tính: kéo dài trên 8 tuần. Nguyên nhân dẫn đến ho mạn tính thường phức tạp với nhiều yếu tố khác nhau nhưng chủ yếu là do hội chứng ho đường hô hấp trên, hen phế quản, và bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Một số nguyên nhân khác dẫn đến ho mạn tính bao gồm việc sử dụng thuốc lá hay các loại thuốc có khả năng gây ho, các bệnh lý về tim, các rối loạn ảnh hưởng đến ống dẫn khí (COPD, viêm phế quản mạn tính,…) và các loại ung thư, nhất là ung thư phổi.

Dựa vào biểu hiện lâm sàng, ho được chia thành 2 loại:

-         Ho có đờm: giúp tống đẩy các chất nhầy ra khỏi đường hô hấp. Tính chất của đờm có thể gợi ý nguyên nhân gây bệnh: đờm trong hoặc hơi vàng thường xuất hiện ở những bệnh không nhiễm khuẩn như viêm phế quản; đờm có mũ hoặc có mùi thường xuất hiện khi bị nhiễm khuẩn.

-         Ho khan: không giúp ích nhiều trong việc chẩn đoán. Ho khan thường đi kèm với nhiễm virus đường hô hấp, GERD, bệnh tim mạch, và việc sử dụng một số loại thuốc.

Một số thuốc có thể gây ho

-         Thuốc ức chế men chuyển ACEIs: Ho khan và dai dẳng xảy ra ở 5-35% số bệnh nhân sử dụng ACEIs. Các cơn ho không phụ thuộc vào liều và thường chấm dứt từ 1-4 tuần, thậm chí đến vài tháng sau khi ngưng dùng thuốc.

-         Thuốc chẹn beta: các thuốc chẹn beta không chọn lọc như propranolol hay timolol chẹn thụ thể beta-2, gây co khí quản và phế nang và có thể dẫn đến ho, đặc biệt ở bệnh nhân có tiền sử hen suyễn hay COPD. Các thuốc chọn lọc beta-1 như atenolol hay metoprolol không có tính chất này.

-         Các thuốc khác: fentanyl (khi dùng để gây mê), các thuốc kích thích dùng trogn điều trị ADHD và một số hóa trị.

Biến chứng:

-         Mặc dù ho là một phản ứng tự vệ của cơ thể nhằm làm sạch đường hô hấp, nhưng ho cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

+ Thường gặp; mệt mỏi, mất ngủ, khàn giọng, đi tiểu không kiểm soát,…

+ Ít phổ biến: rối loạn nhịp tim, ngất xỉu,…

Những trường hợp cần hướng dẫn của bác sĩ

-         Ho có đàm đặc, vàng hoặc xanh

-         Sốt cao trên 38,60C

-         Giảm cân không rõ nguyên nhân

-         Đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm

-         Ho ra máu

-         Ho do hít phải dị vật

-         Ho do thuốc gây ra

-         Ho kéo dài trên 7 ngày

-         Các triệu chứng không thuyên giảm hay các triệu chứng mới xuất hiện trong quá trình tự điều trị

-         Ho do các bệnh lý mạn tính gây ra (COPD, hen suyễn,…)

 

II.               PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Các trường hợp ho cấp tính, rõ hay không rõ nguyên nhân thường tự khỏi và nếu cần có thể được điều trị bằng các thuốc OTC. Các trường hợp ho bán cấp và ho mạn tính cần được chữa trị bằng cách điều trị các bệnh lý hay rối loạn gây ho như UACS, hen suyễn hay GERD.

1.     Các biện pháp không dùng thuốc

-         Sử dụng viêm ngậm ho: không có tác dụng dược lý nhưng làm giảm kích ứng giòng, từ đó có thể giảm ho

-         Làm ẩm không khí bằng các thiết bị giữ ẩm hay tạo độ ẩm: giúp làm giảm dịu cuống họng và đường dẫn khí. Tuy nhiên, việc tăng độ ẩm có thể làm tăng nấm mốc và bụi bẩn, làm trầm trọng thêm tình trạng dị ứng

-         Tránh tiếp xúc hoặc loại trừ (nếu có thể) các tác nhân môi trường gây dị ứng hoặc kích thích ho như bụi bặm, lông vật nuôi hay các chất tẩy rửa

-         Giữ cơ thể không mất nước: nước làm giảm độ nhầy của dịch tiết, do đó giúp việc khạc đờm được dễ dàng. Tuy nhiên, nước không thể kết hợp với dịch tiết đã hình thành trước đó. Do đó, bổ sung quá nhiều nước có thể dẫn đến dư thừa chất lỏng và hạ natri máu.Việc bổ sung nước cần phải thận trọng ở những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, suy tim, suy thận, hay những rối loạn bị ảnh hưởng bởi việc cơ thể giữ nước nhiều.

2.     Các lựa chọn thuốc

*        Thuốc giảm ho

-         Codeine:

+ Nhóm thuốc: là OTC tại UK nhưng được xếp vào nhóm thuốc bị kiểm soát loại II (dạng đơn dược), loại III (dạng phối hợp với APAP) và loại V (các syrup ho có chứa codeine) tại US.

+ Cơ chế: tác động trực tiếp lên hành tủy làm tăng ngưỡng ho, giảm phản ứng ho.

+ Chỉ định: chủ yếu dùng để giảm đau, không được khuyến cáo dùng trong việc điều trị ho do bằng chứng không đủ thuyết phục và không đồng nhất.

+ Liều dùng: tối đa 120mg/ngày.

+ Tác dụng phụ: buồn nôn/nôn ói, hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ, táo bón, suy hô hấp, có khả năng gây nghiện và phụ thuộc thuốc khi dùng thời gian dài.

+ Tương tác thuốc: tăng tác dụng của các chất gây ức chế hệ thần kinh trung ương như barbiturates, các loại thuốc ngủ hay bia rượu.

+ Lưu ý: thận trọng khi sử dụng ở bệnh nhân bị suy giảm hô hấp như hen suyễn hay COPD, bệnh nhân đang sử dụng thuốc an thần/thuốc ngủ, người già, trẻ em hoặc bệnh nhân có khả năng chuyển hóa codeine nhanh (do tăng nguy cơ ngộ độc morphine).

-         Pholcodeine:

+ Tương tự codeine nhưng ít tác dụng phụ và ít khả năng gây nghiện hơn.

+ Không được chấp thuận tại US.

-         Dextromethorphan:

+ Cơ chế: tương tự codeine nhưng không có tác dụng giảm đau.

+ Chỉ định: ho do bị kích ứng đường hô hấp.

+ Liều dùng: tối đa 120mg/ngày (người lớn), 60mg/ngày (6-12 tuổi), 30mg/ngày (4-6 tuổi), và không khuyến cáo sử dụng cho trẻ em dưới 4 tuổi tại US; tối đa 60mg/ngày và chống chỉ định cho trẻ em dưới 6 tuổi tại UK.

+ Tác dụng phụ: khá an toàn khi được dùng ở liều hco phép, nhưng cũng có thể gây buồn ngủ, buồn nôn, đau bụng và táo bón; rất ít khả năng gây nghiện nhưng có thể tạo hưng cảm và điên loạn ở liều cao.

+ Tương tác thuốc: tăng tác dụng gây ức chết hệ thần kinh trung ương khi sử dụng với rượu bia, thuốc kháng histamine, hay thuốc chống loạn thần; gây hội chứng serotonie khi sử dụng với MAOIs.

-         Diphenhydramine:

+ Cơ chế: tác động lên hành tủy làm tăng ngưỡng ho, kháng cholinergic của MAOIs.

*        Thuốc long đờm – Guaifenesin

-         Cơ chế: kích thích việc tạo đờm, làm tăng số lượng và giảm độ đặc của đờm, giúp việc khạc đờm được dễ dàng hơn.

-         Chỉ định: ho cấp tính khó khạc đờm; không dùng trong ho mạn tính liên quan đến bệnh đường hô hấp dưới như hen suyễn, COPD hoặc do hút thuốc lá; là thuốc long đờm duy nhất được FDA chấp thuận nhưng không được khuyến cáo sử dụng trogn hướng dẫn điều trị ho của ACCP.

-         Liều dùng: tối đa 2.4g/ngày (người lớn), 1.2g/ngày (6-12 tuổi), 600mg/ngày (4-6 tuổi) và không khuyến cáo sử dụng cho trẻ em dưới 4 tuổi tại US; chống chỉ định cho trẻ em dưới 6 tuổi ở UK.

-         Tác dụng phụ: khá an toàn, có thể gây nôn, buồn nôn, tiêu chảy, nổi mẫn, chóng mặt, nhức đầu, buồn ngủ.

*        Thuốc ho có tác dụng tại chỗ - Camphor và menthol

-         Cơ chế: chưa rõ, có thể do kích thích các đầu dây thần kinh ở vùng niêm mạc mũi, gây tê tại chỗ và tạo cảm giác thông thoáng đường hô hấp.

-         Chỉ định: dùng để giảm ho có tác dụng tại chỗ.

-         Các dạng bào chế: thuốc mỡ, kem thoa, thuốc hít và viên ngậm.

-         Tác dụng phụ: cảm giác bỏng rát, bỏng nghiêm trọng nếu dùng thường xuyên hay liều cao, ngộ độc thậm chí tử vong nếu nuốt phải các dạng kem, thuốc mỡ hay dung dịch.

*        Các nhóm bệnh nhân đặc biệt

-         Trẻ em:

+ Các dược phẩm chứa thuốc giảm ho, thuốc long đờm, thuốc chống nghẹt mũi và thuốc kháng histamine không được khuyến cáo sử dụng ở trẻ em dưới 2 tuổi tại US và dưới 6 tuổi tại UK.

+ Các biện pháp không dùng thuốc như uống nước đầy đủ và làm ấm không khí được khuyến khích.

+ Mật ong có thể được dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi và trên 1 tuổi. Tránh dùng viên ngậm ho cho trẻ nhỏ do thiếu thông tin về hiệu quả của thuốc cũng như nguy cơ mắc nghẹn khi nuốt phải.

+ Thuốc ho chưa codeine không được phép sử dụng để điều trị ho ở trẻ em dưới 12 tuổi tại châu Âu và không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em dưới 18 tuổi tại US.

-         Phụ nữ mang thai và đang cho con bú

+ Codeine chỉ nên sử dụng ở phụ nữ mang thai chỉ khi thật sự cần thiết, lợi ích nhiều hơn nguy cơ và chống chỉ định sử dụng ở phụ nữ đang cho con bú.

+ Tuy thuốc nhóm C nguy cơ dùng thuốc trong thai kỹ, nhưng dextromethorrphan được nhiều bác sĩ cho là an toàn khi sử dụng ở phụ nữ mang thai nhưng không khuyến cáo sử dụng ở phụ nữ đang cho con bú.

+ Diphenhydramine thuộc nhóm B nguy cơ dùng thuốc trong thai kỳ nên có thể được dùng ở phụ nữ mang thai. Thuốc được tiết vào sữa mẹ, có thể gây kích thích và tình trạng cáu gắt ở trẻ sơ sinh.

-         Người già

+ Codeine và dextromethorphan nên được bắt đầu ở liều thấp, tăng dần nếu cần thiết. Bệnh nhân cần đucợ theo dõi cẩn thận do tác dụng an thần của thuốc.

+ Người lớn tuổi dễ bị chóng mặt, buồn ngủ quá mức, ngất xỉu, lẫn lộn, và hạ huyết áp khi sử dụng diphenhydramine. Do đó, liều dụng cũng nên được bắt đầu từ thấp và tăng dần nếu cần.

III.           TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Tietze KJ. Cough. In: Beradi RR, Ferreri, Hume AL, et al., eds. Handbook of Nonprescription Drugs: An Interactive Approach to Self-Care. 16th ed. Washington, DC: American Pharmacists Asociation; 2009: 203-212.

2.     Canning BJ. Anatomy and neurophysiology of the cough reflex: ACCP evidence-based clinical practice guidelines. Chesst.2006; 129(1_suppl): 33S-47S. doi: 10. 1378/chest.129.1_suppl.33S.

3.     https://www.ecfr.gov/cgi-bin/text-idx SID=fef6066b022f884e89a0f4e273893336&mc=true&node=se21.5.341_114&rgn=div8

4.     https://www.fda.gov/Drugs/DrugSafety/ucm453125.htm

5.     https://www.gov.uk/drug-safety-update/over-the-counter-cough-and-cold-medicinhttps://www.gov.uk/drug-safety-update/codeine-for-cough-and-cold-restricted-use-in-childrenes-for-children

            6.     https://www.ema.europa.eu/medicines/human/referrals/codeine-containing-medicinal-  products-treatment-cough-cold-paediatric-patients

CẢM LẠNH
CẬP NHẬT HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP CHÂU ÂU ESC/ESH 2018
HIỆU QUẢ CỦA PEG TRONG ĐIỀU TRỊ TÁO BÓN MẠN TÍNH
CELECOXIB
FDA ĐƯA RA CẢNH BÁO AN TOÀN MỚI VỚI CÁC THUỐC GIẢM ĐAU OPIOID
THUỐC CÓ NGUY CƠ GÂY TĂNG HUYẾT ÁP
BÀI THUỐC NHẮM ĐÍCH MỚI ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐA U TỦY XƯƠNG
Thuốc Giàm Đau - Hạ Sốt - Kháng Viêm (pdf)
HƯỚNG DẪN THỜI ĐIỂM DÙNG THUỐC
HIỆU QUẢ CỦA GLUCOSAMIN TRONG ĐIỀU TRỊ ĐAU XƯƠNG KHỚP