Tư thế đúng để phòng và chữa bệnh cột sống

Tại hội thảo “Bệnh cột sống, điều trị không dùng thuốc” diễn ra tại Phòng khám Cơ – Xương – Khớp Đức Phúc (TP. Hồ Chí Minh), BS Phạm Thị Kim Loan cho biết: “Nguyên nhân của bệnh cột sống chủ yếu là do tư thế sai trong sinh hoạt và lao động mỗi ngày, về lâu dài tạo thói quen làm lệch, cong vẹo cột sống. Vì vậy, việc phòng và điều trị bệnh hiệu quả là chuẩn hóa các tư thế sai”.

Mệt mỏi, đau đầu kinh niên do bệnh cột sống cổ

Nhiều người thường bị đau đầu, mệt mỏi kinh niên mà khi đi kiểm tra nhiều nơi vẫn không thể phát hiện ra nguyên nhân cụ thể. Người bệnh thường thức dậy với tình trạng kiệt sức, cả ngày hay bị mỏi vai, đau lưng, tê tay chân, đau đầu, cảm thấy chán nản và hay cáu gắt.

Các triệu chứng này thường được chẩn đoán là suy nhược, trầm cảm hoặc rối loạn tiền đình. Nhưng theo BS Phạm Thị Kim Loan, nhiều trường hợp trong số đó bắt nguồn từ nguyên nhân bệnh cột sống cổ.

Ở trạng thái bình thường, cổ có độ cong hình chữ C ngược (đường cong hướng ra phía trước) và tủy sống cổ uốn cong theo cột sống. Ở những người bị trượt đốt sống cổ hoặc thoát vị đĩa đệm (tình trạng đĩa đệm bị ép lồi ra khỏi vị trí bình thường, giữa các đốt sống), gây chèn ép dây thần kinh hoặc tủy sống và làm hẹp ống tủy cổ.

Tình trạng này làm cản trở sự lưu thông của dịch não tủy từ não bộ xuống vùng ngực và thắt lưng, làm tăng áp nội sọ. Vì vậy mà người bệnh thường xuyên bị mệt mỏi, khó tập trung, hay đau đầu, giảm trí nhớ, ngủ kém, ăn uống không ngon miệng.

Trong trường hợp những biểu hiện nói trên kéo dài, chúng ta không nên chủ quan “tự chẩn đoán” là do áp lực, stress đơn thuần mà nên chú ý kiểm tra cột sống cổ, lưng xem có bệnh của cột sống hay không để có hướng điều trị phù hợp.

 

Tư thế sai là nguyên nhân chính gây bệnh cột sống

 

Tại hội thảo, nhiều người đã khá bất ngờ khi bác sĩ phân tích những tư thế sai là nguyên nhân chính gây bệnh cột sống. Các tư thế sai này đã trở thành thói quen trong sinh hoạt, công việc như: cúi đầu cổ, gập thắt lưng đột ngột, đi khom lưng… làm các đĩa đệm dễ bị chấn thương, vỡ rách màng bao nhân đệm, dẫn đến bệnh lý gai cột sống và thoát vị đĩa đệm.

Những biểu hiện thường thấy của tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hay lưng là: đau buốt hoặc tê bại cổ, vai, cánh tay, thắt lưng, đầu gối, chân… Có người cảm thấy đau trầm trọng nhưng có người lại không biểu hiện rõ rệt, chỉ lâu lâu thấy đau, thậm chí có người còn không đau lưng, chỉ cảm thấy mỏi lưng thường xuyên.

Tư thế thẳng vô cùng quan trọng vì giúp hạn chế tối đa áp lực lên cột sống. Theo tính toán của các bác sĩ chuyên khoa cột sống thế giới thì khi chúng ta nằm ngửa, áp lực lên cột sống là khoảng 25kg, chuyển sang tư thế nằm nghiêng thì áp lực tăng lên 75kg.

Khi đứng thẳng, áp lực lên cột sống khoảng 100kg, hơi cúi người thì áp lực tăng lên 150kg, khom người để xách vật nặng, áp lực tăng vọt lên 220kg. Áp lực lên cột sống khi ngồi thẳng là 140kg, ngồi hơi khom người là 185kg còn ngồi khom người để xách vật nặng tăng lên 275kg.

Như vậy, ngồi làm việc quá lâu khiến cho toàn thể cột sống chịu sức ép gấp ba lần so với khi đứng, còn cúi khom để nhặt đồ trên sàn thì áp lực này tăng lên rất nhiều lần.

Cột sống bị chèn ép liên tục nhiều tháng, nhiều năm, khiến đĩa đệm mất dần khả năng “chịu đựng”. Gai cột sống và tình trạng thoát vị đĩa đệm cũng bắt nguồn từ nguyên nhân này.

Doanh nhân và nhân viên văn phòng là những người sử dụng máy vi tính liên tục nhiều giờ với bàn ghế không phù hợp gây sai tư thế, khiến vẹo cột sống cổ, lưng…

Ngày càng nhiều nhân viên văn phòng gặp tình trạng đau nhức bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, cánh tay, vai, cổ và lưng, đầu gối, thốn gan bàn chân… Chiếc ghế xoay thường sử dụng trong văn phòng còn tạo điều kiện cho chúng ta dễ sai tư thế như: ngồi nghiêng, xoay đầu qua một bên, nằm cúi đầu, khom lưng…

Nữ giới mặc váy thường ngồi bắt chéo chân khiến khung chậu bị bẻ vẹo và lực ép tập trung một bên khung chậu, dẫn đến bị bệnh vẹo trặc cột sống gây chèn ép dây thần kinh gây đau nhức đầu cổ, đau lưng.

Giữ đúng tư thế để phòng và điều trị bệnh cột sống

Trong phòng và điều trị bệnh cột sống, quan trọng nhất là tạo thói quen có tư thế đúng hằng ngày. Các bài tập vật lý trị liệu thường giúp bệnh nhân lấy lại tư thế thẳng.

Điều trị phẫu thuật trong bệnh cột sống rất dễ xảy ra biến chứng yếu liệt nên chỉ khoảng 10% bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật, chủ yếu trong các trường hợp cấp cứu (đau thần kinh tọa gây liệt, các rối loạn cơ tròn, hoặc đau dữ dội dọc lộ trình thần kinh tọa) hoặc điều trị nội khoa không có kết quả.

Với doanh nhân và nhân viên văn phòng, nên chú ý đi, đứng và ngồi thẳng để giữ cột sống ít bị chèn ép. Ghế ngồi cần có lưng tựa và mặt ghế lót nệm, giường nằm cũng cần có lớp nệm (ít lún).

Khi sử dụng laptop, tuyệt đối không nằm, ngồi trên giường hoặc ngồi trên sàn nhà, đặc biệt là kiểu nửa nằm nửa ngồi rất có hại cho cột sống. Tư thế tốt nhất là ngồi ngay ngắn trên bàn ghế phù hợp.

Khi ngồi làm việc ở văn phòng, chúng ta ngồi thẳng, lưng và mông tựa sát vào lưng ghế để cột sống được giữ vững, bàn chân để trên sàn nhà và đùi thẳng.

Chiều cao của mỗi người khác nhau nên chúng ta cần phải chỉnh chiều cao của ghế ngồi để phù hợp với chiều cao mặt bàn, sao cho khi làm việc viết lách, đọc, sử dụng vi tính… thì mắt vẫn có thể nhìn thẳng, không phải cúi đầu, cổ.

Khớp háng hai bên ở phía sau tựa sát vô lưng ghế, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông và hai chân để vùng xương cùng – chậu (mông) được nâng đỡ chặt chẽ tốt nhất từ lưng ghế.

Khi muốn mang giày dép, lấy đồ vật dưới thấp thì ngồi xổm trên một chân trước, một chân sau, giữ cột sống thẳng (bằng cách gấp khớp gối và khớp háng). Khi muốn khiêng đồ vật lên hoặc đặt xuống thì phải ngồi xuống vững vàng trước.

Nữ giới cần chú ý tư thế khi làm các công việc nội trợ. Chẳng hạn như khi quét hay lau nhà, chổi hoặc cây lau nhà nên có cán dài để không cúi cổ lưng. Khi ủi quần áo nên điều chỉnh bàn dùng để kê ủi có chiều cao phù hợp để không cúi đầu, vẹo cổ. Khi ngồi, cần phải giữ tư thế ngay ngắn, không ngồi bắt chéo chân…

Nguồn: http://www.doanhnhansaigon.vn/

Đau lưng, bệnh không của riêng ai